Quy trình vận hành các trạm cấp nước sạch tập trung nông thôn Từ nguồn nước mặt
Lượt xem: 8509
0:00 / 0:00
Giọng nữ Ngọc Hoa
Quy trình vận hành các trạm cấp nước sạch tập trung nông thôn Từ nguồn nước mặt 

QUY ĐỊNH 

Quy trình vận hành các trạm cấp nước sạch tập trung nông thôn

Từ nguồn nước mặt 

Điều 1. Quy định chung

- Phân công ca trực rõ ràng, cụ thể. Không được tự ý đổi ca trực khi không có lý do chính đáng.

- Người trực phải thường xuyên kiểm tra hoạt động của hệ thống để kịp thời phát hiện sự cố và sửa chữa, khắc phục. 

- Trạm cấp nước sử dụng chung nguồn nước phải luôn giữ liên lạc với nhau để thông báo với nhau về các sự cố đột xuất xảy ra, về chất lượng nước, về áp lực nước,... và phối hợp với nhau sửa chữa, khắc phục các sự cố hư hỏng trong thời gian ngắn nhất, các trường hợp không tự sữa chữa, khắc phục được thì phải báo ngay về Bộ phận Kỹ thuật.

- Khi vận hành khai thác cần phải ghi chép như sau:

+ Nhật ký vận hành: Hàng ngày theo dõi được thời gian hoạt động bơm cấp 1, bơm cấp 2, bơm định lượng xút (phèn) và bơm định lượng Clo, biết được chất lượng nước thô và nước sau khi xử lý, lượng nước cấp ra mạng lưới tiêu thụ, nước dùng cho bản thân trạm; lượng hóa chất sử dụng, lượng hóa chất còn lại; lượng điện năng tiêu thụ, số giờ bơm, số máy hoạt động; sửa chữa và các số liệu khác có liên quan đến hoạt động của trạm;

+ Sổ quan trắc: Theo dõi lưu lượng khai thác, mực nước sông, nước hồ.

+ Sổ nội kiểm: Theo dõi để đánh giá được mức độ nguy cơ gây ô nhiểm nguồn nước và chất lượng nước cấp cho các hộ dân.

+ Sổ theo dõi quá trình bảo dưỡng, sửa chữa thường kỳ và sửa chữa lớn từng máy móc thiết bị.

+ Trạm cấp nước phải đặt các dụng cụ đo lường kiểm tra hoạt động của công trình và kiểm tra các chỉ tiêu sau: 

+ Lưu lượng nước cấp vào trạm, lượng nước dùng cho bản thân trạm và lượng nước cấp vào mạng lưới;

+ Mực nước trong bể chứa;

+ Tổn thất áp lực trên các công trình và từng đoạn ống;

+ Chất lượng nước.

+ Khi kiểm tra phải bảo đảm sự hoạt động bình thường của các quá trình công nghệ và thông báo kịp thời về sự thay đổi chất lượng nước. 

Điều 2. Phân công trách nhiệm

1. Trạm cấp nước đầu mối

- Quản lý, vận hành hệ thống xử lý đầu mối như: Bơm cấp 1, cụm xử lý, hệ thống hóa chất, bơm cấp 2 và tuyến ống nước thô, đảm bảo đủ nguồn nước cung cấp cho các trạm cấp nước; đạt chất lượng theo quy chuẩn của bộ Y tế.

- Quản lý tuyến ống nước sạch, đồng hồ hộ dân của trạm cấp nước đầu mối.

- Quản lý, chốt chỉ số đồng hồ tổng của trạm cấp nước đầu mối và đồng hồ tổng cấp cho trạm cấp nước nhánh định kỳ 01 lần/ngày, vào lúc 07 giờ 00 sáng hàng ngày. Khi phát hiện lượng nước cấp ra mạng tăng đột biến trong ngày, tỷ lệ thất thoát nước trong tháng cao hơn định mức phải tiến hành kiểm tra, rà soát tuyến ống, tìm nguyên nhân để khắc phục kịp thời, hạn chế thất thoát nước. Đối với đồng hồ tổng cấp cho trạm nhánh, khi phát hiện lượng nước cấp ra mạng tăng đột biến trong ngày phải thông báo cho trạm nhánh để tiến hành kiểm tra, rà soát tuyến ống, tìm nguyên nhân, khắc phục kịp thời.

- Thực hiện bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị; sửa chữa, khắc phục các hư hỏng nhỏ trong phạm vi mình quản lý.

2. Trạm cấp nước nhánh

Trạm cấp nước nhánh được cung cấp nước từ trạm cấp nước đầu mối nên hệ thống xử lý của trạm nhánh phải luôn duy trì ở chế độ dự phòng, sẳn sàng hoạt động khi trạm đầu mối bị sự số đột xuất hoặc bị cúp điện. Nhiệm vụ cụ thể:

- Quản lý, vận hành hệ thống xử lý của trạm nhánh như: Bơm cấp 1, cụm xử lý, hệ thống hóa chất, bơm cấp 2, tuyến ống nước thô; đảm bảo đủ nguồn nước cung cấp cho người dân; đạt chất lượng theo quy chuẩn của bộ Y tế.

- Quản lý tuyến ống truyền tải từ trạm đầu mối đến trạm nhánh và tuyến ống phân phối, đồng hồ nước hộ dân của trạm nhánh.

- Quản lý, chốt chỉ số đồng hồ tổng và đồng hồ tổng nối mạng của trạm nhánh định kỳ 01 lần/ngày, vào lúc 07 giờ 00 sáng hàng ngày. Khi phát hiện lượng nước cấp ra mạng tăng đột biến trong ngày, tỷ lệ thất thoát nước trong tháng cao hơn định mức và khi nhận được thông báo của trạm đầu mối phải tiến hành kiểm tra, rà soát tuyến ống, tìm nguyên nhân để khắc phục kịp thời, hạn chế thất thoát nước.

- Thực hiện bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị; sửa chữa, khắc phục các hư hỏng nhỏ trong phạm vi mình quản lý.

Điều 3. Quy định vận hành

1. Sơ đồ công nghệ



2. Mô tả dây chuyền công nghệ
Nước thô được lấy từ nguồn nước sông Đồng Nai, sông Bé hoặc hồ Dầu Tiếng đưa về trạm xử lý qua hệ thống trạm bơm nước thô. Tại đây nước được phân phối vào hệ thống cụm xử lý. Sau khi nước đi vào hệ thống xử lý được châm hóa chất keo tụ và kiềm hóa (phèn, xút) tại hệ thống hòa trộn hóa chất. Tại đây các hóa chất được trộn đều trong nước sau đó được đưa qua bể phản ứng. Tại bể phản ứng các hạt cặn phân tán trong nước va chạm với nhau, phản ứng kết dính, trở thành bông cặn lớn hơn, sau đó được đưa qua bể lắng Lamen. Nước sau khi qua bể lắng Lamen có thể loại bỏ 90 – 99% lượng chất bẩn chứa trong nước và được chuyển qua bể lọc. Tại bể lọc các cặn bẩn khi chảy qua lớp vật liệu lọc, bị dính bám và hấp thụ lên bề mặt lớp vật liệu lọc và bị loại ra khỏi nước. Nước sau khi qua bể lọc đã đạt các tiêu chuẩn hóa lý và được đưa về bể chứa. Sau khi nước vào bể lắng và bể lọc phần lớn vi trùng ở trong nước đã bị giữ lại khoảng 90% và bị tiêu diệt. Tuy nhiên đảm bảo hoàn toàn vệ sinh trước khi về bể chứa nước phải được khử trùng bằng Clo.

Trạm bơm cấp 2 làm nhiệm vụ hút nước từ bể chứa cung cấp vào mạng tiêu thụ.

Cặn tại các bể phản ứng, bể lắng, bể lọc sẽ được đưa ra hồ lắng bùn.

3. Nguyên lý hoạt động của hệ thống

3.1. Bơm cấp I

Bơm cấp I có 02 bơm chìm đặt dưới sông hoặc hồ, bơm nước thô về cụm xử lý thông qua hệ thống đường ống nước thô, các van khóa, đồng hồ lưu lượng và được nối thông với nhau để bổ sung nguồn nước thô cho cụm xử lý cũ bị thiếu hụt nước thô hoặc bị sự cố đột xuất, được kiểm soát bằng van khóa.

3.2. Bể phản ứng 

Nước thô sau khi được hòa trộn với hóa chất tại ống hòa trộn có gắn vành chắn lắp đặt trên đường ống nước thô được đưa vào bể phản ứng để tiến hành phản ứng tạo bông cặn. Nước đi vào ở đáy bể và dâng dần lên mặt bể. Trong quá trình đi lên, do tiết diện dòng tăng dần làm cho tốc độ nước giảm dần. Tuy nhiên do ảnh hưởng quán tính, tốc độc của dòng nước phân bố không đều trên cùng một mặt phẳng nằm ngang, vào gần tâm bể, tốc độ càng lớn hơn và dòng chảy ở tâm có xu hướng phân tán dần ra phía thành bể. Ngược lại, do ma sát các dòng chảy phía ngoài lại bị các dòng bên trong kéo lên theo. Sự chuyển động thuận nghịch đó đã tạo ra các xoáy nước nhỏ phân bố đều trong bể, làm tăng hiệu quả khuấy trộn. Các bông cặn được tạo ra có kích thước tăng dần theo chiều nước chảy đồng thời tốc độ nước giảm dần sẽ không phá vỡ các bông cặn lớn đó.

3.3. Bể lắng

Các cụm xử lý sử dụng nguồn nước mặt sử dụng bể lắng trong có lớp cặn lơ lửng hoặc bể lắng Lamella.

- Đối với cụm xử lý sử dụng bể lắng trong có lớp cặn lơ lửng:

Nguồn nước từ bơm cấp 1 vào bể lắng sẽ di chuyển theo chiều từ dưới lên trên, trong quá trình di chuyển các cặn lắng (kết tủa hay bông lắng) sẽ va chạm vào nhau và bám vào lớp cặn lơ lửng. Khi các bông lắng kết dính với nhau trên lớp cặn lơ lửng đủ nặng và thắng được lực đẩy của dòng nước đang di chuyển lên thì bông kết tủa sẽ trượt xuống theo chiều ngược lại và rơi xuống đáy bể lắng (hay hố thu cặn), từ đó theo chu kỳ xả đi. Điều này sẽ giúp kéo dài thời gian rửa bể lắng, tiết kiệm được nguồn nước rửa và hóa chất phản ứng.

Nước sau lắng được đưa qua bể lọc nhanh bằng hệ thống máng thu nước bằng răng cưa.

- Đối với cụm xử lý sử dụng bể lắng Lamella:

Nguồn nước từ bể phản ứng vào bể lắng sẽ di chuyển theo chiều từ dưới lên trên theo chiều nghiêng 60 độ của các tấm lắng lamen, trong quá trình di chuyển các cặn lắng (kết tủa hay bông lắng) sẽ va chạm vào nhau và bám vào bề mặt tấm lắng lamen. Khi các bông lắng kết dính với nhau trên bề mặt tấm lắng lamen đủ nặng và thắng được lực đẩy của dòng nước đang di chuyển lên thì bông kết tủa sẽ trượt xuống theo chiều ngược lại và rơi xuống đáy bể lắng (hay hố thu cặn), từ đó theo chu kỳ xả đi. Điều này sẽ giúp kéo dài thời gian rửa bể lắng, tiết kiệm được nguồn nước rửa và hóa chất phản ứng.

Nước sau lắng được đưa qua bể lọc nhanh bằng hệ thống máng thu nước bằng răng cưa.

3.4. Bể lọc

Chu kỳ hoạt động của bể lọc như sau:

Nước đi vào bể lọc qua ống dẫn nước từ bể lắng và được phân phối đều trên lớp cát lọc bằng máng thu nước rửa. Nước được lọc qua lớp vật liệu lọc bằng cát thạch anh, lớp sỏi đỡ và đi xuống ngăn thu nước lọc qua các chụp lọc hoặc ống thu.

Ở chu kỳ làm việc đầu tiên của bể lọc các van trên đường ống dẫn nước rửa lọc, ống cấp khí rửa lọc, ống thu nước sạch, ống xả lọc đầu, ống xả kiệt bể lọc đều đóng. Mở van xả nước lọc đầu cho tới khi quan sát thấy nước trong thì đóng lại, đồng thời mở van thu nước sạch về bể chứa.

Trong quá trình hoạt động của bể lọc, cặn bẩn lắng đọng trong lớp vật liệu lọc làm khả năng lọc giảm dần, tổn thất áp lực tăng lên. Khi tổn thất áp lực đạt tới giá trị giới hạn lưu lượng lọc bắt đầu giảm, thì tiến hành rửa lọc. Việc rửa lọc sẽ được tiến hành ở từng bể một, khi đó bể còn lại làm việc ở chế độ tăng cường. Rửa các ngăn lọc bằng gió và kết hợp với nước hoặc bằng nước.

3.5. Bể chứa nước sạch

Nước sau khi lọc được châm Clo khử trùng trước khi qua bể chứa bằng ống thu nước lọc vào bể chứa. Trong bể chứa có lắp đặt phao mực nước điều khiển bơm cấp I, khi mực nước trong bể xuống thấp dưới phao, phao sẽ giật công tắc khởi động bơm cấp I và khi mực nước trong bể dâng lên tới phao, phao sẽ nhã công tắc, ngắt bơm cấp I.

3.6. Bơm cấp II

Bơm cấp II có nhiệm vụ bơm nước từ bể chứa để cấp ra mạng lưới đường ống phân phối bằng hệ thống điều khiển biến tần hoặc sử dụng đài.

4. Quy trình vận hành hệ thống

4.1. Bơm cấp I

a) Nguồn nước sông, hồ:

- Hàng tuần kiểm tra hệ thống chắn rác và bơm để tránh rác và chất bẩn làm nghẹt bơm.

- Hàng tháng kiểm tra mực nước, đánh giá khả năng khai thác tại khu vực lắp đặt công trình thu.

- Hàng Quí kiểm tra chất lượng nước sông để có biện pháp điều chỉnh công tác định lượng hóa chất cho phù hợp

- Sau một thời gian hoạt động nếu công suất bơm suy giảm cần kiểm tra xem xét tổng thể, tìm nguyên nhân, nếu cần thiết phải thực hiện công tác kiểm tra toàn bộ bơm và đường ống nước thô.

b) Trạm bơm:

- Kiểm tra trước khi vận hành

+ Kiểm tra các van ở mỗi bơm.

+ Kiểm tra đồng hồ Ampe kế và vôn kế.

- Khởi động

+ Khi khởi động bơm đồng thời bơm định lượng hoá chất, Clo cũng hoạt động.

+ Bơm cấp I (bơm chìm) vận hành theo 2 chế độ tự động và bằng tay:

* Tự động (bật Auto) là khi mực nước trong bể chứa tụt thấp hơn mức chống cạn của phao điều khiển, khi đó bơm chìm tự động khởi động và ngược lại khi mực nước cao hơn mức chống tràn, khi đó bơm chìm sẽ tự động tắt.

* Bằng tay (bật Man) vận hành trực tiếp không tự động.

+ Luân phiên vận hành các bơm cấp I để bơm hoạt động lâu dài và ổn định.

- Tắt bơm

Khi nước đã đầy trong bể chứa, ấn off (màu đỏ) của bơm chìm đó để tắt bơm. Nếu chạy chế độ tự động, khi nước đầy bể bơm tự tắt.

4.2. Hệ thống định lượng hoá chất

- Hóa chất sử dụng bao gồm xút, PAC, phèn nhôm. Tùy theo nguồn nước sông mà vận hành châm hóa chất cho phù hợp.

- Đối với mùa mưa: sử dụng hóa chất xử lý là kết hợp giữa hóa chất xút và PAC.

- Đối với mùa nắng: sử dụng hóa chất xử lý là phèn nhôm.

a) Hệ thống châm xút:

Hệ thống định lượng châm xút gồm:

- Bồn hòa trộn;

- Bồn tiêu thụ;

- Bơm định lượng hoá chất 0-80l/h.

Hóa chất sử dụng để pha vào nước nguồn là xút vẩy NaOH 99%. Tại bồn hòa trộn hoá chất với nồng độ 99% được hòa trộn thêm nước để giảm nồng độ xuống 5- 10% và chuyển sang bồn tiêu thụ. Bơm định lượng dung dịch hoá chất 10% sẽ bơm vào đường ống nước thô (trước khi vào bể phản ứng hoặc bể lắng)

Trước khi hệ thống hoạt động phải tiến hành pha hóa chất vào bồn hòa trộn (hoặc kiểm tra xem hóa chất còn trong bồn để pha thêm).

+ Cách pha: pha 2kg xút NaOH 99%/500 lít (Thực tế vận hành tùy thuộc vào chất lượng nước sông, điều chỉnh lượng hóa chất cho phù hợp).

Tại bồn hòa trộn pha hoá chất với nồng độ 5-10% , mở van cho nước sạch chảy vào bồn hòa trộn đến nữa bồn, khóa van nước sạch lại và cho xút vào khuấy đều cho tan hết xút, tiếp tục vừa khuấy, vừa mở van cho nước sạch chảy vào bồn  hòa trộn cho đến khi đầy bồn, khóa van nước sạch lại. Sau đó mở van cho dung dịch xút chảy từ bồn hòa trộn sang bồn tiêu thụ cho đến khi đầy bồn tiêu thụ. 

+ Vận hành:

Bật Atômát của bơm định lượng, Bơm định lượng hóa chất sẽ tự động hoạt động mỗi khi hệ xử lý vận hành (Bơm nước thô hoạt động).

Chú ý: 

+ Phải luôn theo dõi lượng dung dịch xút trong bồn hòa trộn. Nếu để cạn bồn nước xử lý sẽ không đạt tiêu chuẩn và bơm định lượng không có nước làm mát sẽ bị cháy.

+ Khi hệ thống hoạt động tuyệt đối không mở van vào các bồn.

+ Xả rửa hệ thống: Sau mỗi lần pha 1 đợt hóa chất mới tiến hành xả rửa toàn bộ hệ thống định lượng.

b) Hệ thống châm phèn:

Hệ thống định lượng châm phèn gồm:

- Bồn hòa trộn;

- Bồn tiêu thụ;

- Bơm định lượng hoá chất 0-80l/h.

Hóa chất sử dụng để pha vào nước nguồn là phèn PAC 31% hoặc phèn nhôm 17%. Tại bồn hòa trộn hoá chất với nồng độ 31% (PAC) hoặc 17% (phèn nhôm) được hòa trộn thêm nước để giảm nồng độ xuống 5- 10% và chuyển sang bồn tiêu thụ. Bơm định lượng dung dịch hoá chất 10% sẽ bơm vào đường ống nước thô (trước khi vào bể phản ứng hoặc bể lắng)
Trước khi hệ thống họat động phải tiến hành pha hóa chất vào bồn hòa trộn (hoặc kiểm tra xem hóa chất còn trong bồn để pha thêm).

+ Cách pha: pha 03kg phèn PAC 31%/500 lít hoặc 4,5kg phèn nhôm 17%/500 lít (Thực tế vận hành tùy thuộc vào chất lượng nước sông, điều chỉnh lượng hóa chất cho phù hợp).
Tại bồn hòa trộn pha hoá chất với nồng độ 5-10% , mở van cho nước sạch chảy vào bồn hòa trộn đến nữa bồn, khóa van nước sạch lại và cho phèn PAC hoặc phèn nhôm vào khuấy đều cho tan hết phèn, tiếp tục vừa khuấy, vừa mở van cho nước sạch chảy vào bồn  hòa trộn cho đến khi đầy bồn, khóa van nước sạch lại. Sau đó mở van cho dung dịch phèn chảy từ bồn hòa trộn sang bồn tiêu thụ cho đến khi đầy bồn tiêu thụ.

+ Vận hành:

Bật Atômát của bơm định lượng, Bơm định lượng hóa chất sẽ tự động hoạt động mỗi khi hệ xử lý vận hành (Bơm nước thô hoạt động).

Chú ý: 

+ Phải luôn theo dõi lượng dung dịch phèn trong bồn hòa trộn. Nếu để cạn bồn nước xử lý sẽ không đạt tiêu chuẩn và bơm định lượng không có nước làm mát sẽ bị cháy.

+ Khi hệ thống hoạt động tuyệt đối không mở van vào các bồn.

+ Xả rửa hệ thống: Sau mỗi lần pha 1 đợt hóa chất mới tiến hành xả rửa toàn bộ hệ thống định lượng.

c) Hệ thống châm Clo:

Hệ thống định lượng châm Clo gồm:

- Bồn hòa trộn;

- Bơm định lượng hoá chất 0-80l/h.

Hóa chất sử dụng để pha vào nước nguồn là Clo bột. Tại bồn hòa trộn Clo được hòa trộn thêm nước để giảm nồng độ xuống 5- 10%. Bơm định lượng dung dịch Clo 10% sẽ bơm vào đường ống nước sạch sau xử lý (trước khi vào bể chứa).

Trước khi hệ thống họat động phải tiến hành pha Clo vào bồn hòa trộn (hoặc kiểm tra xem Clo còn trong bồn để pha thêm).

+ Cách pha: pha 1,5kg Clo bột/500 lít.

Tại bồn hòa trộn pha Clo với nồng độ 5-10% , mở van cho nước sạch chảy vào bồn hòa trộn đến nữa bồn, khóa van nước sạch lại và cho Clo bột vào khuấy đều cho tan hết Clo, tiếp tục vừa khuấy, vừa mở van cho nước sạch chảy vào bồn  hòa trộn cho đến khi đầy bồn, khóa van nước sạch lại. 

+ Vận hành:

Bật Atômát của bơm định lượng, Bơm định lượng Clo sẽ tự động hoạt động mỗi khi hệ xử lý vận hành (Bơm nước thô hoạt động).

Chú ý: 

+ Phải luôn theo dõi lượng dung dịch Clo trong bồn hòa trộn. Nếu để cạn bồn nước xử lý sẽ không đạt tiêu chuẩn và bơm định lượng không có nước làm mát sẽ bị cháy.

+ Khi hệ thống hoạt động tuyệt đối không mở van vào các bồn.

+ Xả rửa hệ thống: Sau mỗi lần pha 1 đợt hóa chất mới tiến hành xả rửa toàn bộ hệ thống định lượng.

4.3. Cụm xử lý 

a) Khởi động hệ xử lý và xả lọc đầu:

 Khởi động bơm nước thô. Bơm định lượng hóa chất, Clo sẽ tự động hoạt động mỗi khi khởi động bơm nước thô (Lưu ý sau khi vận hành phải kiểm bơm định lượng có hoạt động không).

 Khóa van trên đường về bể chứa nước sạch.

 Mở van xả nước lọc đầu từ các bể lọc trong thời gian 3 phút.

 Khóa van xả lọc đầu, mở van cho nước chảy vào bể.

b) Ngắt hệ xử lý:

 Ngắt bơm nước thô.

 Kiểm tra lại các bơm định lượng hóa chất, Clo đã ngắt chưa.

c) Rửa lọc:
Việc rửa lọc sẽ được tiến hành ở từng bể một, khi đó bể còn lại làm việc ở chế độ tăng cường. Cụ thể thực hiện theo trình tự sau:

 Đóng các van đưa nước từ bể lắng vào ngăn lọc và van thu nước sạch về bề chứa.

 Mở van thu nước rửa lọc.

 Đóng các van xả lọc đầu và các van thu nước lọc.

 Cho bơm gió hoạt động và mở van dẫn gió vào ngăn lọc, cường độ gió 15-20l/s.m2 trong 1-2 phút.

 Sau khi sục gió được 1-2 phút cho khởi động bơm nước rửa lọc, rửa kết hợp nước + gió trong thời gian 4-5 phút với cường độ gió 15-20 l/s.m2 và nước 2,5-3 l/s.m2 sao cho cát không bị trôi vào máng thu nước rửa..

 Đóng van dẫn gió vào bể lọc.

 Cuối cùng ngừng rửa gió và tiếp tục rửa nước thuần tuý với cường độ 5-8 l/s.m2 trong khoảng thời gian 4-5 phút 

 Đóng van dẫn nước rửa lọc tắt máy bơm rửa lọc, đóng van xả nước rửa lọc.

 Mở hết van đưa nước từ bể lắng sang.

 Mở van xả nước lọc đầu DN80 (V6) khoảng 1 phút đến khi nước trong thì đóng lại.

 Mở van thu nước sạch về bề chứa, Ngăn lọc bắt đầu một chu kỳ mới.

* Lưu ý:

 Khi bắt đầu một chu kỳ lọc phải giữ tốc độ ở giá trị 2-3 m/h, sau đó trong khoảng 10¸ 15 phút tăng dần lên tốc độ bình thường.

 Cát trong ngăn lọc sau một thời gian hoạt động có thể bị hao hụt, phải bổ sung cho đủ chiều dày làm việc theo thiết kế ban đầu (lớp cát dày 1,2 m, d = 0,7¸ 1,6 mm).

 Trong lúc rửa phải quan sát các ngăn lọc, một hiện tượng không đồng đều trên mặt bể lọc có thể do những nguyên nhân sau:

 Lớp vật liệu lọc bị xáo trộn.

 Chụp lọc hay sàn lọc bị hư hỏng cần tiến hành kiểm tra và có biện pháp sửa chữa ngay.

4.4. Bể chứa nước sạch

Quản lý, vận hành bể chứa bao gồm: 

- Hàng ngày phải kiểm tra chất lượng nước. 

- Thường xuyên theo dõi mực nước. 

- Kiểm tra khóa ở nắp, ống tràn, ống thông hơi, hố van xả. 

Một số quy định khi xúc rửa, sửa chữa bể chứa:

- Định kỳ 06 tháng một lần hoặc đột xuất, nếu có sự giảm đột ngột chất lượng nước phải xả hết nước để thau rửa và khử trùng. 

- Sau khi rửa hoặc sửa chữa bể phải được sát trùng bằng cách ngâm nước clo nồng độ 25mg/l trong 24 giờ. Sau đó xả kiệt và cho nước sạch chảy vào đầy bể, lấy nước thí nghiệm, thấy đảm bảo chất lượng mới được cấp nước vào mạng lưới phân phối.

- Trước khi vào bể toàn bộ các dụng cụ làm việc mang theo (kể cả ủng cao su) đều phải ngâm nước clorua vôi với nồng độ 1%. Nhân viên kiểm tra vào bể phải được mặc quần áo bảo hộ lao động đã được sát trùng nước. 

4.5. Bơm cấp II

Bơm cấp II hoạt động theo chế độ tự động bằng biến tần (đối với trạm sử dụng biến tần) hoặc chế độ tự động hoặc bằng tay (đối với trạm sử dụng đài), bơm trực tiếp vào mạng lưới.
 
4.5.1. Đối với trạm sử dụng biến tần:

a) Kiểm tra:

- Kiểm tra đồng hồ Ampe kế, vôn kế và đồng hồ áp lực. 

- Kiểm tra các van tại đường ống đẩy và kiểm tra lượng nước tại bể chứa.

b) Mồi bơm:

Lần đầu khởi động bơm (hoặc sau thời gian họat động cờrêpin (lúp bê) bị kênh không giữ được nước trong buồng công tác) phải tiến hành mồi bơm.

 Mở van trên đường đẩy đổ nước vào buồng công tác bơm.

 Mở van xả khí trong buồng công tác.

 Khi nước tràn qua van xả khí thì lần lượt khóa các van lại.

 Tiến hành khởi động bơm.

c) Khởi động bơm:

 Khóa các van 2 chiều trên đường đẩy.

 Kiểm tra xem nước trong buồng công tác của bơm còn đầy không. Nếu hết thì phải tiến hành mồi bơm.

 Nhấn nút khởi động bơm.

 Sau 15 giây bơm chạy ổn định từ từ mở van 2 chiều .

Chú ý: Trước khi khởi động bơm bao giờ các van 2 chiều cũng phải khóa chặt chỉ sau khi bơm chạy ổn định mới từ từ mở van trên vì nếu không bơm khởi động bị quá tải gây hư hỏng bơm. Trong suốt quá trình hoạt động phải thường xuyên kiểm tra bơm, tủ điện điều khiển, mực nước trong bể chứa.

4.5.2. Đối với trạm sử dụng đài:

- Bơm cấp II hoạt động theo 2 chế độ tự động và bằng tay.

+ Chế độ tự động (bật Auto) là khi mực nước trong đài nước tụt thấp tới mức báo cạn của phao điện, khi đó bơm cấp II tự động khởi động và ngược lại khi mực nước cao hơn mức báo đầy, khi đó bơm cấp II sẽ tự động tắt.

+ Bằng tay (bật Man) vận hành trực tiếp, tắt mở bằng tay thông qua công tắc chuyển vị trí không qua phao điện.

a) Kiểm tra

- Kiểm tra đồng hồ Ampe kế, vôn kế và đồng hồ áp lực. Khi đồng hồ áp lực hiển thị dưới 01 kgf/cm2 là lượng nước trong đài đã gần hết, cần phải bơm nước lên đài và ngược lại khi đồng hồ áp lực hiển thị trên 01 kgf/cm2 thì nước trên đài còn nhiều không cần bơm cấp II.

- Kiểm tra các van ở mỗi bơm và điều chỉnh các van khoá trên đường ống đẩy, mở 1/3 van.

- Sau thời gian hoạt động luppe bị chênh không giữ được nước trong buồng công tác ta phải theo dõi và tiến hành mồi bơm.

b) Khởi động

- Chỉnh cần gạt sang Man, ấn nút (màu xanh). Theo dõi đồng hồ Ampe kế đến khi dòng điện chạy ổn định thì tiếp tục mở từ từ hết 2/3 van trên đường ống đẩy còn lại.

c) Tắt bơm

- Đóng 1/3 van trên đường ống đẩy, nhấn nút off (màu đỏ) trên tủ điện để ngưng hoạt động và đóng hết van trên đường ống đẩy.

* Chú ý: Sau khi vận hành phải kiểm tra lại toàn bộ các máy móc thiết bị về tình hình hoạt động.

4.6. Đài nước

Quản lý, vận hành Đài nước bao gồm: 

- Thường xuyên kiểm tra khóa ở nắp, ống tràn, ống thông hơi, van xả cặn, van chống tràn, ống công nghệ. 

Một số quy định khi xúc rửa, sửa chữa Đài nước:

- Định kỳ 06 tháng một lần, nếu có sự giảm đột ngột chất lượng nước phải xả hết nước để thau rửa và khử trùng. 

- Sau khi rửa hoặc sửa chữa đài nước phải được sát trùng bằng cách ngâm nước Clo nồng độ 25mg/l trong 24 giờ. Sau đó xả kiệt và cho nước sạch chảy vào đầy đài, lấy nước thí nghiệm, thấy đảm bảo chất lượng mới được cấp nước vào mạng lưới phân phối.

- Trước khi vào đài nước toàn bộ các dụng cụ làm việc mang theo (kể cả ủng cao su) đều phải ngâm nước clorua vôi với nồng độ 1%. Công nhân và cán bộ kiểm tra vào đài nước phải được mặc quần áo bảo hộ lao động đã được sát trùng nước. 

4.7. Hệ thống mạng lưới đường ống nước sạch

- Phạm vi quản lý, vận hành: Toàn bộ mạng lưới đường ống nước sạch trên địa bàn.

- Vận hành mạng lưới cấp nước bao gồm các công việc liên quan như điều tiết phân phối nước cho các khu vực thông qua hệ thống van, đồng hồ đo nước.

- Việc theo dõi sự làm việc của mạng tuyến ống và các thiết bị trên mạng lưới thường được thực hiện theo chu kỳ 01 tháng 01 lần hoặc đột xuất. Khi đi kiểm tra cần xem lại các van khoá còn tốt hay không, xiết lại các bu lông ở chỗ mối nối mặt bích, nếu có gì hư hỏng cần kịp thời sửa chữa, bảo đảm độ kín khít đóng mở nhẹ nhàng.

- Quy trình vận hành và bảo dưỡng sẽ bao gồm cho tất cả các tuyến:

+ Tuyến ống truyền dẫn;

+ Mạng ống phân phối;

+ Các thiết bị lắp đặt trên tuyến: van xả khí, van xả cặn, van chặn tuyến, đồng hồ lưu lượng;

+ Các phụ tùng: gối đỡ côn, tê, cút...;

+ Kiểm tra và sửa chữa các chỗ hư hỏng;

+ Phát hiện và xử lý rò rỉ chống thất thoát, chống thất thu.

- Thường xuyên kiểm tra và sửa chữa theo kế hoạch toàn bộ đường ống và các công trình thiết bị trên mạng lưới.

- Phát hiện kịp thời các công trình làm việc không bình thường để có biện pháp sửa chữa hay thay thế.

- Duy trì chế độ công tác tối ưu, đảm bảo áp lực công tác cao nhất phù hợp với điều kiện kinh tế kỹ thuật, giảm tổn thất tới mức thấp nhất. 

- Tẩy rửa và xúc xả đường ống theo chu kỳ hoặc đột xuất đối với các tuyến ống bị tăng hệ số tổn thất thủy lực bất thường.

- Định kỳ kiểm tra lượng Clo dư ít nhất là một tuần một lần trên đường ống phân phối, qua sự tiêu hao Clo dư xác định chế độ súc rửa đường ống.

- Kiểm tra việc đục phá, đấu nối không phép và không đúng trên nguyên tắc đấu nối hệ thống phân phối vào hộ tiêu thụ. 

- Quản lý việc đấu nối thêm và việc sử dụng nước của các đối tượng trên các đường ống vào nhà. 

- Quản lý việc nối thêm các đoạn ống mới và các ống nhánh.

- Quản lý hành lang tuyến ống.

- Phát hiện và giải quyết kịp thời các chỗ rò rỉ. 

- Kiểm tra định kỳ các van xả khí 1 - 2 lần trong tháng, thấy có kẹt, tắc hoặc hư hỏng phải sửa chữa kịp thời bảo đảm các van làm việc bình thường.

- Kiểm tra đồng hồ lưu lượng hàng ngày, bảo đảm mặt số đọc rõ ràng chính xác.

- Quản lý đồng hồ tổng, tuyến ống nước sạch: Hàng ngày chốt chỉ số đồng hồ tổng vào lúc 07 giờ 00 (trước khi bàn giao ca trực) và so sánh chỉ số đồng hồ tổng của ngày hôm trước để đánh giá thất thoát nước trong ngày và hàng tháng từ ngày 08 đến ngày 10 tây (sau khi chốt đồng hồ nước của hộ dân) tiến hành đánh giá tỷ lệ thất thoát nước trong tháng, bằng cách: lấy tổng lượng nước cung cấp theo đồng hồ tổng chia cho tổng lượng nước tiêu thụ theo số liệu chốt chỉ số đồng hồ của hộ dân và nhân cho 100% sẽ có tỷ lệ thất thoát nước trong tháng. Khi lượng nước cung cấp ra mạng trong ngày tăng đột biến hoặc tỷ lệ thất thoát nước trong tháng tăng cao so với định mức, tiến hành rà soát tuyến ống, xác định nguyên nhân và sự hao hụt nước trên mạng lưới và tìm cách khắc phục. Lưu ý: Hao hụt nước thường do các mối nối hở, do đường ống nứt rạn hoặc bị vỡ, hoặc các thiết bị trên mạng bị rò rỉ. Quản lý đồng hồ đo lưu lượng trên các tuyến và đồng hồ đo nước lắp trên ống dịch vụ, vào từng hộ cũng là một biện pháp phát hiện tình trạng thất thoát (và thất thu) nước. Tìm các chỗ nước rò rỉ bằng cách dùng các thiết bị dò tìm như các máy nghe nước rò rỉ hoặc phát hiện các chỗ đất thấm hơn chỗ xung quanh thì chỗ đó có rò rỉ, hoặc kiểm tra trên các đoạn có sự mất áp lực thông qua các điểm có lắp đặt đồng hồ đo áp lực hoặc qua các số đo của đồng hồ đo lưu lượng khu vực (nếu có).

- Trong quá trình làm việc, đường ống bị đóng cặn. Vì vậy đường ống phải được tẩy rửa để khôi phục khả năng vận chuyển của nước. Việc tẩy rửa thường tiến hành từ 1 - 2 lần/năm hoặc tẩy rửa ngay khi khắc phục xong bể ống. Tẩy rửa bằng cách sử dụng áp lực làm việc của tuyến ống. Tẩy rửa đường ống cần chú ý tới các đọan ống có vận tốc làm việc nhỏ.

4.8. Hệ thống đường ống nước thô

- Vận hành hệ thống đường ống nước thô bao gồm các công việc liên quan như điều tiết phân phối nước thô cho cụm xử lý, đảm bảo không bị thiếu hụt nguồn nước thô để xử lý.

- Việc theo dõi sự làm việc của hệ thống đường ống nước thô và các thiết bị trên nó thường được thực hiện theo chu kỳ hoặc đột xuất mỗi năm ít nhất 2 lần. Khi đi kiểm tra cần xem lại các van khoá còn tốt hay không, xiết lại các bu lông ở chỗ mối nối mặt bích, nếu có gì hư hỏng cần kịp thời sửa chữa, bảo đảm độ kín khít đóng mở nhẹ nhàng.

- Quy trình vận hành và bảo dưỡng sẽ bao gồm cho cả tuyến:

+ Tuyến ống nước thô;

+ Các thiết bị lắp đặt trên tuyến: van xả khí, van một chiều, van hai chiều, đồng hồ lưu lượng;

+ Các phụ tùng: gối đỡ côn, tê, cút...;

+ Kiểm tra và sửa chữa các chỗ hư hỏng;

+ Phát hiện và xử lý rò rỉ chống thất thoát.

- Thường xuyên kiểm tra và sửa chữa theo kế hoạch toàn bộ đường ống và các thiết bị trên tuyến ống.

- Phát hiện kịp thời các hư hỏng trên tuyến ống để có biện pháp sửa chữa hay thay thế.

4.9. Hệ thống thoát nước thải

- Thực hiện nạo vét bùn trên hệ thống mương, hố ga, hố lắng bùn định kỳ 01 tháng/01 lần hoặc đột xuất, đảm bảo nước thải được thoát hết, không bị ứ đọng.

- Thường xuyên kiểm tra và sửa chữa theo kế hoạch toàn bộ hệ thống thoát nước.

- Phát hiện kịp thời các hư hỏng trên hệ thống thoát nước để có biện pháp sửa chữa.

Điều 4. Điều khoản thi hành

Nhân viên trực tiếp quản lý, vận hành trạm có trách nhiệm vận hành theo đúng các quy trình trên. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của Trung tâm. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc liên hệ trực tiếp Bộ phận Kinh doanh, Bộ phận Xét nghiệm Quản lý chất lượng nước và Bộ phận Kỹ thuật để được hướng dẫn, xem xét và điều chỉnh bổ sung cho phù hợp.

Giao Bộ phận Kinh doanh, Bộ phận Xét nghiệm Quản lý chất lượng nước và Bộ phận Kỹ thuật hướng dẫn, kiểm tra, giám sát trạm việc tuân thủ thực hiện quy trình vận hành.
Quy trình vận hành này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

GIÁM ĐỐC
Nguyễn Khánh Trường


PHỤ LỤC: Hình ảnh


Hình 1: Hệ thống bơm cấp II và thổi gió rửa lọc



Hình 2: Hệ thống bơm cấp II và tủ điều khiển trung tâm



Hình 3: Cụm xử lý nước



Hình 4: Nhà vận hành máy 



Hình 5: Bể chứa nước sạch, cụm xử lý và đài nước

Đánh giá - Nhận xét

4
1 Nhận xét
  • 0
  • 1
  • 0
  • 0
  • 0
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 159
  • Trong tuần: 635
  • Tất cả: 131439